THƯ GỬI ÔNG SINNETT

Thư Gửi Ông Sinnett  (tt)

 

Xem Bài Số Trước

Chân sư nói về giai đoạn làm đệ tử dự bị và con người bị thử thách. Ngài viết
– … Điều ấy có thể làm bạn kình chống lại,vì ngay cả ông Sinnett, tượng trưng cho người trung bình trong xã hội Anh, xem việc làm đệ tử  DỰ BỊ là điều đáng ghét. Mỗi chela nào không muốn đi theo con đường dễ dàng sẽ tự ý muốn được thử thách trong một thời gian dài hay ngắn, ấy là điều mà người tây phương như bạn xem là cách dối gạt, và tôi, do hiểu tư tưởng tây phương nhiều hơn đức M., đã luôn luôn từ chối không nhận, và ngay cả không xem hai bạn là chela.
… Người chela (đệ tử)  trong giai đoạn dự bị được quyền suy nghĩ và làm bất cứ điều gì họ thích. Họ được cho hay và báo trước rằng:
– Bạn sẽ bị vẻ ngoài cám dỗ và phỉnh gạt; sẽ có hai con đường mở ra trước mặt bạn, cả hai cùng đưa tới mục tiêu mà bạn gắng công muốn đạt; một con đường thì dễ dàng và mau lẹ hơn dẫn bạn tới việc hoàn thành những lệnh mà bạn có thể nhận được; con đường kia cực nhọc, dài hơn; đầy sỏi đá và gai góc làm bạn vấp té nhiều hơn trên đường; và tới cuối không chừng bạn gặp thất bại và không thể thực hiện được lệnh cho một việc nhỏ nào. Tuy nhiên, trong khi con đường sau sẽ cho ra nhọc nhằn nhưng về lâu về dài mang lại điều lợi cho bạn, còn con đường trước, con đường dễ đi, chỉ làm bạn có được thỏa mãn nhất thời, dễ dàng làm tròn phần việc.
Người chela có tự do hoàn toàn - và thường có lý do khi nhìn theo quan điểm sắc tướng bề ngoài - nghi ngờ Guru của mình là ‘giả mạo’… Hơn thế nữa, lòng tức giận càng nhiều, càng chân thật - dù tỏ ra bằng lời hay sôi sục trong tâm - anh càng xứng, càng hội đủ điều kiện hơn để trở thành vị đạo sư. Anh được tự do và không bị phiền trách khi dùng chữ và cách nói tệ hại nhất để nói về hành vi và lệnh của Guru mình, miễn anh là kẻ chiến thắng sau thử thách dữ dội, miễn anh cưỡng lại được mỗi một cám dỗ, gạt bỏ mỗi quyến rũ và chứng tỏ là không có gì, ngay cả lời hứa hẹn mà anh xem trọng hơn mạng sống của mình, cái phần thưởng quí giá nhất là việc trở thành bậc đạo sư, có thể làm anh đổi hướng khỏi con đường của sự thật và lòng chân thật, hay bắt buộc anh trở thành kẻ dối gạt.
Bạn thân mến, chúng ta sẽ khó mà đồng ý về ý tưởng của chúng ta đối với sự vật, và ngay cả giá trị của các chữ. Có lần bạn gọi chúng tôi là Jesuits (tu sĩ dòng Tên), và có lẽ bạn đúng tới một mức nào đó khi nhìn chúng tôi theo cách nhìn sự vật của bạn, vì có vẻ như hệ thống huấn luyện của hai bên không khác nhau mấy. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Như tôi đã có lần nói trước đây:
–- Họ biết điều họ giảng dạy là dối gạt; và chúng tôi biết điều chúng tôi truyền dạy là chân lý, chân lý duy nhất và không có gì ngoài chân lý
–- Họ làm việc cho quyền lực và vinh quang (!) lớn lao hơn của dòng tu họ, chúng tôi thì cho quyền lực và vinh quang sau rốt cho các cá nhân, cho các đơn vị riêng biệt, cho nhân loại nói chung và chúng tôi hài lòng - không, phải nói là chúng tôi bị bắt buộc - để tổ chức của chúng tôi và các Vị đứng đầu trong đó hoàn toàn ở trong bóng tối.
– Họ làm việc, gắng công, và phỉnh gạt, cho quyền lực cõi phàm trong kiếp này; chúng tôi làm việc, bỏ công sức và để những đệ tử tạm thời bị mê hoặc, đặng rồi họ sẽ không còn dịp bị mê hoặc nữa, và thấy trọn sự xấu xa của việc giả dối và sự thiếu chân lý, chẳng những trong kiếp này mà luôn cả trong những kiếp về sau.
Họ, giáo sĩ Jesuit hy sinh cái nguyên lý bên trong, cái não tinh thần của cái ngã, để nuôi dưỡng và phát triển nhiều hơn não bộ hồng trần của phàm ngã thoảng qua, hy sinh trọn nhân loại, dâng hiến nó như là sự tàn sát, cho dòng tu của họ - con quái vật ăn não bộ và cốt tủy của nhân loại bao nhiêu cũng không no - và sinh ra ung thư bất trị ở mỗi nơi trên cơ thể lành mạnh mà nó chạm tới. Chúng tôi, các Huynh đệ bị chỉ trích và hiểu lầm, giúp con người hy sinh phàm ngã - là sự thoảng qua - cho sự hữu ích của nhân loại, và như vậy là cho chân ngã bất diệt của họ là một phần của điều sau, bởi nhân loại là một phần của trọn khối tức là Đại Ngã mà ngày kia nó sẽ trở thành.
Họ được huấn luyện để lừa dối, chúng tôi - để không lừa dối.
– Họ ưa thích làm chuyện moi móc, ngoại trừ vài kẻ chân thành đáng thương trong bọn, và cho mục tiêu ích kỷ; chúng tôi - để việc đó cho kẻ thừa hành là những dugpas (thuật sĩ) dưới quyền chúng tôi bằng cách cho họ tự do hành động vào lúc này, với mục tiêu duy nhất là làm phơi bầy trọn bản tính bên trong của người chela, phần lớn là những hốc kẹt, ngóc ngách mà hẳn sẽ vẫn tối tăm bị che khuất mãi nếu không được cho cơ hội để thử thách từng ngõ ngách này. Người chela thắng hay bại tùy thuộc hoàn toàn vào chính họ.
Chỉ có điều bạn phải nhớ là ý niệm đông phương của chúng tôi về ‘động cơ’ và ‘lòng chân thật’, ‘sự thành thật’ khác rất nhiều so với ý niệm của bạn ở tây phương. Cả hai chúng ta tin rằng nói sự thật là hợp đạo đức, và nói dối là không đạo đức, nhưng mọi tương đồng chỉ có tới đó mà thôi và ở đây quan niệm của hai chúng ta tách biệt rất đáng kể. Lấy thí dụ rất khó cho bạn nói tôi biết là làm sao xã hội văn minh tây phương của bạn, với giáo hội và quốc gia phân chia riêng biệt, chính trị và thương mại, lại có đức tính mà người ta không thể nào, dù cho đó là kẻ có học, chính khách, thương nhân, hay bất cứ ai sống trên đời, thực hành theo nghĩa không bị giới hạn chi ?
Bất cứ ai trong các giai cấp nói trên - tinh hoa của lòng hào hiệp của Anh quốc, các nhân vật hãnh diện nhất và dân thường nổi bật nhất, các phu nhân nói sự thật và đức hạnh nhất - có thể nói lên sự thật chăng, tôi muốn hỏi, dù ở nhà hay trong xã hội, trong những lúc giao tiếp giữa công chúng hay trong vòng gia đình ? Bạn sẽ nghĩ sao về một người đàng hoàng, hay một phụ nữ, người mà cung cách bặt thiệp, khả ái, khéo ăn nói sẽ không có dối gạt nào; những ai, mà khi gặp bạn sẽ nói ngay thật và không mầu mè điều họ nghĩ về bạn, hay về bất cứ ai khác ?
Và ở đâu mà bạn có thể tìm được ngọc quí là thương nhân chân thật hay kẻ yêu nước biết kính sợ Trời, hay chính trị gia, hay giản dị là khách bình thường đến chơi, mà lại che dấu tư tưởng của họ trong suốt buổi, và nếu không muốn bị xem là kẻ thô lỗ, người điên, bắt buộc phải chủ tâm nói dối với nét mặt tỉnh như không, ngay vừa khi họ bị buộc phải nói bạn nghe họ nghĩ gì về bạn ? trừ phi có chuyện kỳ diệu là không cần che dấu cảm xúc thật của họ.
Tất cả là dối trá, là điều không thật, chung quanh và trong lòng chúng ta, bạn à; và ấy là lý do tại sao có vẻ như bạn ngạc nhiên quá, nếu không phải là bị xúc động, bất cứ khi nào bạn thấy có người nói thẳng sự thật vào mặt bạn, và ấy cũng là lý do vì sao có vẻ như bạn không thể nào nhận thức là dù cảm mến và kính trọng bạn trong vài phương diện, người đó vẫn có thể nói thẳng với bạn về điều mà y chân thành nghĩ về bạn…
Liệu bạn quí trọng đức M. hơn chăng nếu ngài che dấu sự tức giận của mình, nói dối với chính mình và người ngoài, để vì vậy làm họ cho rằng ngài có đức tính mà ngài không có ? Nếu trừ tuyệt được hết gốc rễ của mọi cảm xúc tức giận là có công đức, để không hề động lòng vì si mê nào mà ta đều xem là tội lỗi, thì đối với chúng tôi tội càng lớn hơn khi giả bộ là cảm xúc đã bị trừ tuyệt.
Thế nhưng theo quan niệm của phương Tây, bề ngoài là điều quan trọng nhất ngay cả trong tôn giáo.  Linh mục nghe xưng tội không hỏi tín đồ là họ có cảm thấy tức giận, mà là họ có tỏ ra tức giận với ai chăng. ‘Khi con nói dối, trộm cắp, giết người, v.v. hãy tránh đừng để bị khám phá’ xem ra là điều răn chính của các vị thần của nền văn minh - tức dư luận và ý kiến trong xã hội.
Ấy là lý do độc nhất vì sao bạn, người thuộc về nền văn minh đó, khó mà, hay không sao có thể, quý chuộng người như đức Morya, một người tuy nghiêm khắc với chính mình, chặt chẽ với khuyết điểm của mình mà lại dễ dãi với thiếu sót nơi kẻ khác, không phải bằng lời mà bằng cảm xúc sâu kín nhất trong tâm; vì dù luôn sẵn lòng nói vào mặt bạn bất cứ điều chi ngài nghĩ về bạn…
Và nay sau khi đã là phát ngôn nhân của ngài Morya để nói với bạn, tôi xin phép có đôi lời về mình. Tôi xin bắt đầu bằng cách nhắc để bạn nhớ là vào nhiều dịp khác, nhất là trong hai tháng qua, bạn đã lập lại ý muốn được làm chela, mà bổn phận đầu tiên của người đệ tử là nghe không tức giận, không nghĩ quấy, về bất cứ điều chi mà vị guru có thể nói với họ.        Làm sao chúng tôi có thể chỉ dạy, và bạn có thể học nếu chúng tôi phải duy trì thái độ của hai bạn là người trong xã hội tây phương nhưng lại vô cùng xa lạ với chúng tôi và phương pháp của chúng tôi? Nếu bạn thật lòng muốn làm chela, nghĩa là trở thành kẻ nhận chỉ dạy bí truyền của chúng tôi, bạn phải thích ứng mình với đường lối của chúng tôi, mà không phải chúng tôi với đường lối của bạn. Chuyện chỉ vô ích nếu bạn muốn nhận nhiều hơn chúng tôi có thể cho ra trong điều kiện thông thường bao lâu bạn chưa làm vậy.
Về [đức M.] người chưa văn minh mà nói ý mình cho bạn nghe  một cách thành thật và vì lợi ích cho bạn, mà cùng lúc ẩn mặt che chở bạn, gia đình bạn và tiếng tăm của bạn để không bị hại, tới độ xem chừng ngày đêm không cho một người khác trả thù bạn, thực tế là phá hư dự tính ác độc của họ… bạn có nghĩ là ngài đáng 10 lần trọng lượng thân hình bằng vàng so với quan Trú Sứ Anh, người lịch thiệp mỗi khi gặp bạn thì mỉm cười bắt tay vồn vã rồi nói xấu sau lưng bạn ?
… Theo ý bạn, làm việc chỉ để giúp cho người có trí não trung bình thì không đáng công, và bạn biện luận rằng hoặc chúng ta đưa ra ngay lập tức một hệ thống triết lý mà các khoa học gia tiếng tăm như Herbert Spencer sau khi xem xét và phê bình chịu chấp nhận nó, hoặc ta bỏ cuộc hoàn toàn. Để trả lời ý này, tôi xin thưa là bạn có lỗi với đa số người. Hằng triệu người theo thuyết thông linh học không ở trong nhóm các nhân vật giỏi dang như Herbert Spencer, Darwin hay John Stuart Mills, mà đại đa số họ thuộc người có trí não trung bình. Nếu kiên nhẫn, hẳn bạn đã nhận được tất cả những gì bạn muốn về triết lý phỏng định speculative của chúng tôi; ‘phỏng định’ vì nó phải là vậy đối với tất cả ai chưa phải là bậc đạo sư. Nhưng thực ra, bạn à, bạn không có nhiều tính ấy. Dầu vậy tôi vẫn không hiểu tại sao bạn lại ngã lòng.
Quả thật bạn đã bỏ công lao cho Hội không ngừng nghỉ trong nhiều tháng và về nhiều mặt; nhưng đừng nghĩ vì chúng tôi không bao giờ tỏ ra biết bạn đang làm gì, hay vì chúng tôi không hề ghi nhận hay cám ơn bạn về điều ấy trong các thư của chúng tôi, mà bạn cho rằng chúng tôi vô ơn hay cố tình quên lãng công việc bạn đang thực hiện. Sự thật không phải vậy đâu. Bởi tuy không ai nên mong lời cám ơn khi làm bổn phận mình với nhân loại và chân lý - vì, nói cho cùng, ai làm việc cho kẻ khác, là chỉ làm việc cho chính mình, - dầu vậy, hỡi người huynh đệ, tôi biết ơn bạn sâu xa về những gì bạn đã làm. Do bản tính tôi không quen biểu lộ cảm xúc nhưng hy vọng là sẽ cho bạn thấy ngày kia tôi không phải là người vô ơn như bạn nghĩ.
… Tôi muốn nói vài lời trước khi từ biệt, tôi mong bạn tin tôi, người huynh đệ thân mến nhất, khi tôi nói rằng tôi có lòng quí chuộng lớn lao và rất thành thật đối với bạn về mọi việc. Tôi cũng không quên là trong nhiều tháng qua, bất kể chuyện gì đi nữa, bạn đã cố công làm việc ngày đêm cho lợi ích của Hội và nhân loại nói chung mà không mong chờ hay đòi hỏi phần thưởng hoặc lợi lộc nào cho mình, chỉ với hy vọng là làm lành. Tôi cũng xin bạn đừng xem những điều chỉ giản dị là nhận xét của tôi như là lời ‘chê trách’.

Thư 75 Nhận ngày 23-8-1882
Thư này viết ngày hôm sau hai thư 73-74 được gửi đi. Thư tiếp tục nói về mối liên hệ giữa ông Hume và các Chân sư và việc làm đệ tử:
… Hẳn nhiên bạn biết rằng khi chúng tôi nhận ứng viên làm chela, họ có lời thệ nguyện là giữ kín và giữ yên lặng đối với mỗi lệnh mà họ nhận được. Người ta phải chứng tỏ là họ đủ điều kiện làm chela trước khi có thể biết là họ có đủ điều kiện thành vị đạo sư.
…Đừng để bạn hiểu lầm chủ trương đúng thật của Thiên đoàn chúng tôi.   Đường lối và cách những ứng viên của việc làm đệ tử đối với trí não tây phương của bạn có thể xem ra vòng vo và mờ ám, nhưng bạn sẽ là người đầu tiên chấp nhận chúng khi hiểu hết mọi việc. Đừng xét đoán theo vẻ bên ngoài, nếu không bạn có thể làm hại nhiều và mất đi cơ hội học hỏi thêm. Hãy nên tỉnh thức và theo dõi.
Tới nay, trong các thư của Chân sư gửi hai ông Sinnett và Hume chứa nhiều chỉ dạy về tình trạng sau khi chết. Hai ông than phiền là chúng có những điểm mâu thuẫn và bất nhất nên ở cuối thư này Chân sư viết
Tôi xin nhắc lại lần nữa là hãy ghi ra những điểm mâu thuẫn và bất nhất, gửi cho tôi rồi bạn sẽ thấy.

Thư 76 Nhận ngày 22-8-1882
Ông Sinnett tiếp tục có thắc mắc về các tình trạng sau khi chết và được giải thích:
– Tai nạn xẩy ra trong nhiều trường hợp rất khác nhau, và không phải người ta chỉ thiệt mạng do tai nạn hay chết do tự tử mà còn do bị giết chết, điều mà chúng ta chưa nói tới … Xin luôn nhớ rằng mỗi một luật đều có biệt lệ, và tới phiên các biệt lệ này lại có biệt lệ khác, và bạn hãy luôn sẵn sàng để học những điều mới. Tôi có thể dễ dàng hiểu chúng tôi bị cáo buộc là viết điều mâu thuẫn và bất nhất, luôn cả viết một chuyện hôm nay rồi ngày mai phủ nhận nó. Điều mà bạn được dạy là LUẬT. Người tốt lànhvô tội bị tai nạn chết đi sẽ ngủ trong cõi Akasa, không biết về sự thay đổi của mình; ai rất ác độc và không trong sạch hứng lấy sự dằn vặt như trong cơn ác mộng ghê gớm. Cho đa số người lưng chừng - không tốt lắm cũng không xấu lắm, nạn nhân của tai nạn hay sự bạo hành (kể luôn cả việc sát nhân), một số ngủ thiếp, số khác thành linh hồn chưa siêu thoát, và một thiểu số nhỏ có thể thành nạn nhân của đồng cốt và tạo ra nhiều uẩn mới từ người đồng thu hút họ. Dù con số này ít, vận mạng họ lại là loại đáng sợ nhất…
Nói về những hiểu lầm có thể có trong việc trao đổi thư từ giữa các ngài và hai ông, thư viết.
– Bạn có nhiều điều cần phải học và chúng tôi có nhiều điều muốn dạy cũng như chúng tôi không từ chối việc đi tới cùng, nhưng chúng tôi phải thực sự xin bạn đừng hấp tấp đi tới kết luận nông nổi… do cách suy nghĩ và thói quen đối nghịch nhau giữa chúng ta. Đã quen với việc chỉ dạy các chela có hiểu biết đủ và không cần phải hỏi ‘nếu…’ và ‘nhưng…’ trong các bài học, tôi dễ quên là phải làm cho bạn điều mà tôi thường giao cho các chela làm. Từ nay trở đi, tôi sẽ dành nhiều thì giờ hơn để trả lời các câu hỏi của bạn.
… Hãy nhớ rằng ngay cả trong trường hợp ai tự tử, có nhiều người sẽ không hề để cho họ bị lôi cuốn vào chuyện đồng cốt và xin đừng trách tôi là bất nhất hay mâu thuẫn khi nói về điểm ấy…

Thư 77 Nhận tháng 8-1882
Trong thư này Chân sư cho ông Sinnett hay về những khó khăn ngài gặp phải khi làm việc với ông Hume nói chung, và khuyết điểm của ai có phần hạ trí nẩy nở mạnh mà không được quân bằng với phát triển về tinh thần. Thư có tính cách cá nhân và những điều trích dưới đây chỉ để cho thấy việc là Chân sư biết rõ người mà các ngài giao tiếp, tiêu chuẩn đức hạnh của ai muốn tiến xa về mặt tinh thần. Thư viết:
Bạn thân mến,
Tôi cảm thấy tâm trí bị kéo trì xuống do thái độ không ngừng kình chống không tránh được (của ông Hume), cũng như là sự tiếp tục công kích chủ trương của chúng tôi. Trong trọn quãng đời suy niệm lặng lẽ của tôi, tôi chưa hề gặp ai dai dẳng và vô lý hơn ! Tôi không thể tiếp tục như thế này mãi, dành đời mình cho việc phản đối vô ích, và nếu bạn không tìm cách tạo ảnh hưởng thân thiện đối với ông, e rằng tất cả chúng ta sẽ phải chia tay nhau vào một ngày không xa.
Tôi đang hầu chuyện ngài Văn Minh khi nhận được thư của ông mà tôi kèm theo đây, và ngài không thích nó chút nào hết, gọi đó là ‘trò cười’ bằng chữ Tây Tạng. Chẳng phải là ông muốn ‘làm điều lành’ hay ‘giúp cho sự tiến triển của Hội Theosophia’. Giản dị chỉ là, dù bạn tin tôi hay không, lòng kiêu hãnh vô bờ bến nơi ông; một dục vọng dữ dội, mạnh mẽ muốn cảm biết và tỏ cho người khác thấy rằng ông là ‘kẻ được chọn’, rằng ông biết điều mà mọi ai khác chỉ được cho phép nghi hoặc.
Xin đừng phản đối vì chỉ vô ích. Chúng tôi biết, và bạn không biết. Hôm nọ đức Văn Minh nghe lời than vãn ngu dốt và thành thực đáng tội về ‘bà vợ’, và ngài ghi nhận điều ấy. Tư cách đó không phải là của người muốn trở thành ‘linh hồn toàn thiện’, và ai viết về một huynh đệ TTH như ông đã viết cho tôi về … thì không phải là người TTH…

Thư 78 Nhận ngày 22-8-1882
Thư tiếp tục bàn về những thử thách cho ai muốn làm đệ tử dự bị. Mặt khác, vì ông Hume không được thấy mặt các Chân sư nên có ý rằng biết đâu các ngài không có thực. Chân sư viết về các điều này như sau.
– Các sự thử thách đều khó và chắc chắn là nó không  đáp ứng ý niệm tây phương của bạn về sự chân thật và chân thành … nhưng đừng để vẻ ngoài phỉnh gạt bạn.  Phải chi tôi có thể nói thẳng với ông Hume, người mà tôi thành thật kính trọng, về vài đức tính chân thật tuyệt vời và cũng thẳng thắn về vài điểm đáng chê trách khác. Tới chừng nào các bạn mới biết và chịu hiểu chúng tôi thực sự là gì, thay vì chỉ chìm đắm trong một thế giới tưởng tượng !

Thư 79 Nhận khoảng cuối tháng tám 1882
Bàn về ông Hume.

Thư 80 Nhận đầu mùa thu 1882
Ông Sinnett có con trai nhỏ gọi thân mật ở nhà là Den. Em nhỏ ốm và thư viết.
– Vài ngày qua tôi để ý thấy tư tưởng bà nhà lo lắng về Den. Bệnh của trẻ con ít khi nguy hiểm cho dù người ta làm ngơ phần nào nếu trẻ có cơ thể mạnh khỏe tự nhiên; em nào được cưng chìu thông thường là mắc bệnh truyền nhiễm. Tôi thấy bà nhà e sợ là đã mang mầm bệnh vào nhà sau khi từ nhà ông Hume về hôm nọ … Xin đừng sợ hãi chi cả. Tôi mong bạn thứ lỗi cho đề nghị là may một túi nhỏ để đựng vật kèm theo thư này, một phần của vật là được, và cho em đeo vào cổ.
Tôi không thể vào nhà bạn đem theo trọn từ lực của xác thân, nên chuyện tốt nhất làm được thay vào đó là gửi bạn một lọn tóc làm vật truyền đi hào quang của tôi dưới dạng đậm đặc. Xin đừng cho ai đụng chạm vào tóc ngoại trừ bà  Sinnettt.

Thư 81 Nhận vào mùa thu 1882
Để hiểu thư này thì cần đôi lời giải thích. Khi Hội vừa thành lập, HPB viết bộ Isis Unveiled, về sau trong bài đăng trên báo The Theosophist số tháng sáu giải thích thêm vài điểm trong sách này, …bà nói:
– Khi soạn bộ Isis, chúng tôi không được phép đi vào chi tiết thế nên chỉ có thể nói phần tổng quát mơ hồ. Nay chúng tôi được cho hay là nói chi tiết nên sẽ làm theo chỉ thị ấy … nhưng không hề có sự khác biệt căn bản nào giữa chỉ dạy trong Isis và chỉ dạy về sau (trong các bài đăng trên The Theosophist), vì cả hai phát xuất từ chung một nguồn là các Đạo Sư.
Ông Hume không đồng ý với lời giải thích mà viết một thư được bà Blavatsky cho đăng lên The Theosophist, trong thư ông nói rằng sách Isis có nhiều lỗi và ý sau lầm; ông chỉ trích các Mahatma nặng nề về cách mà các ngài đưa ra chỉ dạy hay đúng hơn là đã không đưa ra. Ông nói rằng đối với ông phương pháp của các ngài quá tệ hại nên đã mấy lần ông muốn chấm dứt sự liên hệ với các Mahatma.
Đây là ý chính trong thái độ của ông đối với các Chân sư và nó dẫn tới các sự việc và phản ứng về sau ghi trong những thư tiếp đây, với kết cục là ông Hume từ chức chi trưởng chi bộ ở Simla và ra khỏi Hội năm 1884. Đó là chuyện sau này, còn diễn biến bên trong là thoạt đầu HPB không muốn đăng thư lên báo, nhưng các Mahatma cho hay là đức Văn Minh muốn vậy nên bà làm theo mà trong lòng không vui. Thư sinh ra phản ứng là 12 đệ tử các Mahatma và đức Văn Minh đồng ký tên một thư phản đối thái độ thiếu tôn kính của ông Hume đối với các ngài, và thư chung này cũng được đăng trên The Theosophist.
Có vẻ như ông Sinnett hỏi Chân sư là đã xẩy ra chuyện gì, trong thư dưới đây ngài viết.
– Hoàn toàn không có gì cả, bạn à. Đó chỉ là việc ông Hume giận dữ vì ganh tị với bất cứ ai được nhận, hay sẽ được nhận bất cứ chỉ dạy nào, ân huệ (?), được chú ý hay bất cứ việc gì từ chúng tôi. Chữ ‘ganh tị’ thật lạ lùng nhưng là chữ đúng trừ phi ta gọi nó là ‘thèm muốn’ là chữ còn tệ hơn nữa. Ông tin rằng mình đã bị xử tệ vì ông không phải là đối tượng chính của chúng tôi … và giận điên lên vì không thấy ai thán phục ông … và viết thư cho HPB chống đối phương pháp của chúng tôi và cá nhân chúng tôi như là cách để xoa dịu mình.
Về ý trong thư ông Hume là có mâu thuẫn giữa những điều đưa ra trong bộ Isis và chỉ dạy sau này của các ngài cho hai ông Hume và Sinnet, thư ghi:
- Thực là nản, bạn thân mến, khi phải luôn nhắc lại rằng không có và không thể nào có mâu thuẫn chi trong những điều đưa ra cho hai bạn. Có thể có thiếu chính xác trong các diễn đạt, hay chi tiết không toàn vẹn; nhưng cáo buộc là chúng tôi làm hư chuyện thì thật ngộ nghĩnh … Với ai chưa từng nghe về bẩy nguyên lý của con người - mà trong bộ Isis nói tới như là tam nguyên mà không giải thích gì thêm - thì có vẻ như có mâu thuẫn. Khi viết sách đó, chúng tôi luôn căn dặn bà, ‘Con chỉ viết thế này, thế kia, chỉ đưa ra bấy nhiêu mà không hơn’.
Lúc ấy là ngay khởi đầu của một chu kỳ mới, thời điểm mà cả người Thiên Chúa giáo lẫn người theo thông linh học không ai có hề nghĩ đến việc con người có nhiều hơn hai nguyên lý trong người là xác thânlinh hồn mà họ gọi là tinh thần, đừng nói là đề cập tới chúng. Nếu có giờ xem lại tài liệu thông linh học trong thời gian đó, bạn sẽ thấy là với người khảo sát hiện tượng và người Thiên Chúa giáo, hai chữ linh hồntinh thần đồng nghĩa với nhau. HPB là người đầu tiên, theo lệnh của Chân sư Atrya (bạn không biết ngài) giải thích trên báo The Spiritualist sự khác biệt giữa linh hồn và tinh thần.
Bà phải trưng dẫn mọi chứng cớ, trích lời từ thánh Paul rồi Plato, từ Plutarch rồi thánh James v.v. trước khi người thông linh học nhìn nhận rằng người TTH nói đúng. Khi ấy bà được lệnh viết bộ Isis, chỉ một năm sau khi Hội được thành lập. Và bởi có sự tranh luận về ý niệm ấy, chống đối và cãi cọ bất tận với ý là không thể nào trong con người có hai linh hồn, chúng tôi nghĩ còn quá sớm để đưa ra cho công chúng nhiều hơn là họ có thể lãnh hội, và trước khi họ đã chấp thuận sự kiện ‘hai linh hồn’ (linh hồn và tinh thần); thế nên việc phân chia hơn nữa từ tam nguyên thành thất nguyên được để qua bên, không nhắc tới trong cuốn Isis. Và có phải là vì HPB vâng lệnh chúng tôi viết như đã viết, chủ tâm che dấu một số sự kiện, và bây giờ chúng tôi nghĩ đã tới lúc đưa ra phần lớn, nếu không phải là trọn sự thật, mà bà phải bị để cho lao đao ?
Liệu tôi, hay bất cứ ai trong chúng tôi, chịu để cho bà thành mục tiêu cho người thông linh học nhắm vào để công kích, và cười chê vì có mâu thuẫn khi trọn sự việc chỉ hoàn toàn là bề ngoài, do sự không hiểu biết của chính họ về trọn sự thật; một sự thật mà họ không chịu lắng nghe hay nhìn nhận ngay cả bây giờ ? … Chắc chắn không.

(The Mahatma Letters to A.P. Sinnett, còn tiếp)